Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Về thăm cụm di tích đình, chùa làng Phú Mỹ, xã Lương Phú

2023-04-13 08:36:00.0

Lương Phú, mảnh đất anh hùng cách mạng trong kháng chiến chống Pháp, nơi che chở, bảo vệ cách mạng. Dù chiều dài thời gian đã làm mờ phai nhiều dấu tích, nhưng một chứng tích quan trọng vẫn được nhân dân nơi đây gìn giữ, bảo vệ nguyên vẹn đó là Đình, Chùa Phú Mỹ.

Chúng tôi đến thăm cụm di tích Đình Chùa Phú Mỹ, xã Lương Phú vào một buổi chiều cuối hè. Dưới bóng cây sanh hơn 200 năm tuổi, cái nóng oi ả của mùa hè dường như đã dịu đi rất nhiều. Ông Nguyễn Công Nguyên, một người cao niên trong làng kể với chúng tôi rằng, làng Phú Mỹ là một trong 5 làng cổ của Lương Phú xưa (5 làng cổ gồm: làng Lương Trình, làng Lương Tạ, làng Lân, làng Chiềng, làng Lương Trình, làng Phú Xuân). Từ nhỏ, ông đã được nghe bố mẹ, cha ông tương truyền, xã Phú Xuân xưa (Phú Mỹ) ngày nay có cây đa 100 cành, có 99 ao nước. Vào một ngày trời trong xanh, một đàn chim Phượng Hoàng 100 con bay về đậu lên cây đa, khi xuống tắm ao nước thì thiếu một. Thế là cả đàn chim bay đi. Nhân dân trong làng vô cùng tiếc nuối khi Phú Xuân không thành đất định đô. Dù tiếc nuối, nhưng nhân dân trong làng vẫn luôn tin rằng, mảnh đất làng mình là mảnh đất thiêng, luôn trân trọng, bảo vệ từng tấc đất, ngọn cỏ.

Sau này, Phú Mỹ cũng trở thành nơi nuôi dấu cán bộ cách mạng, nơi đóng quân của nhiều cơ quan, đơn vị bộ đội, công an trong kháng chiến chống Pháp. Đình là nơi làm việc của chỉ huy một số đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn xã. Chùa là kho chứa vỏ lựu đạn, địa lôi...

Ông Nguyễn Công Nguyên kể thêm, khoảng năm 1953 - 1954, khi thực dân Pháp cho máy bay ném bom căn cứ địa Việt Bắc, đến địa phận đình, chùa Phú Mỹ, có ba tốp máy bay Pháp ném xuống đây 9 quả bom nhưng kỳ lạ thay đều không nổ. Căn cứ kháng chiến được bảo vệ an toàn.

Nhờ đó, nhiều hiện vật trong đình, chùa được giữ nguyên vẹn như: cây hương đá khắc bài ký ghi niên đại chùa; 23 pho tượng có niên đại cuối Lê, đầu Nguyễn). Trước cửa chùa còn có cây sanh hơn 200 năm tuổi với thế uốn lượn hình rồng chầu trước chùa.

Theo sử sách ghi lại, Đình Phú Mỹ được xây dựng dưới thời vua Tự Đức năm thứ 36 (1884) thờ Thành Hoàng Dương Tự Minh. Chùa có tên chữ là "Phượng Linh Tự". Chùa được nhân dân 4 thôn (Phượng Tường, Hoàng Xá, Đức Lân và Bình Ngô) phát tâm đức xây dựng năm 1735 niên hiệu Vĩnh Hựu nguyên niên, dưới triều vua Lê Ý Tông ( thế kỷ XVIII).

(Ngày 22/7/2004, cụm di tích đình, chùa Phú Mỹ được UBND tỉnh Thái Nguyên

ra Quyết định Công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh)

Để gìn giữ và bảo vệ giá trị văn hóa, lịch sử tại khu di tích này, hằng năm, Ban quản lý di tích và nhân dân trong làng lại mở hội vào ngày 13, 14, 15 tháng Giêng. Trong những ngày này, các cụ cao niên làm lễ Khai đài, cầu Phúc tại Đình, lễ Khai xuân tại chùa. Con, em con cháu trong làng dù làm ăn ở nơi đâu cũng về lễ Phật, lễ Thánh cầu an.

Lễ hội đình chùa làng Phú Mỹ đã trở thành một nét đẹp văn hóa ăn sâu vào tiềm thức, đời sống tinh thần của người dân nơi đây. Mỗi năm, đến ngày làng mở hội, nhân dân, du khách trong và ngoài xã lại nô nức đến lễ hội, tham gia các trò chơi dân gian, các môn thể thao truyền thống tại lễ hội.

Với khuôn viên rộng, có cây xanh tỏa mát quanh năm, cụm di tích đình chùa Phú Mỹ không chỉ là nơi sinh hoạt tâm linh, tín ngưỡng mà còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng của Nhân dân làng Phú Mỹ. Ông Nguyễn Đức Nghị, Trưởng xóm Phú Mỹ cho biết: Thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới, nhân dân chúng tôi sẽ tập trung cải tạo cảnh quan, sửa chữa nhà văn hóa, lắp đặt các dụng cụ thể thao ngoài trời, chỉnh trang cổng vào, lối đi…để khuôn viên cụm di tích khang trang hơn, đẹp hơn, để các thế hệ con, cháu trong làng “đi thì nhớ, về thì mong”. Chúng tôi cũng mong muốn, các cấp chính quyền quan tâm, nâng cấp cải tạo cụm di tích, để giữ gìn vào bảo vệ các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống nơi đây.

Dương Phượng

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 4842105